26/10/2021

Kỹ thuật Burnout - Donut - Drift

Nghệ thuật kiểm soát và duy trì sự mất thăng bằng !

#Burnout là một cách truyền thống được sử dụng để hâm nóng lốp xe trước những cuộc đua. 

Hâm nóng lốp giúp cho lớp cao su trở nên mềm hơn và làm sạch lớp đất cát bám vào lốp giúp xe bám đường hơn. 

Burnout diễn ra khi sức mạnh động cơ thắng được lực ma sát của lốp với mặt đường và hệ thống phanh đủ mạnh để giữ chiếc xe không chuyển động về phía trước. 

Khi quá trình Burnout diễn ra, sẽ có sự cọ sát mạnh mẽ giữa lốp và mặt đường tạo nên sự nóng chảy của cao su, tạo khói. 

Cách Burnout cho từng loại xe: 

A. XE SỐ TỰ ĐỘNG, CẦU TRƯỚC

1. Kéo phanh tay

2. Chân trái giữ phanh chân, chân phải đạp ga đưa vòng quay động cơ lên khoảng 4.000 vòng/phút 

3. Chân trái nhả nhanh bàn đạp phanh, bánh trước quay tít 

4. Kiểm soát vòng quay động cơ 

5. Giảm ga, nhả phanh tay để kết thúc.

B. XE SỐ TỰ ĐỘNG, CẦU SAU 

1. Chân trái đạp phanh

2. Vào số 

3. Chân trái giữ phanh chân, chân phải đạp ga 

4. Tăng ga và giảm dần lực phanh tới thời điểm lốp quay tít thì giữ yên chân phanh và chân ga để Burnout 

5. Giảm ga để kết thúc. 

C. XE SỐ SÀN, CẦU TRƯỚC 

1. Kéo phanh tay

2. Vào số 1 và giữ chân côn (ngắt ly hợp) 

3. Đạp ga lên vòng quay 4.000 vòng/phút 

4. Nhả côn và giữ chân ga, bánh trước quay tít 

5. Kiểm soát chân ga tùy theo mức độ Burnout tuy nhiên không nên để vòng quay động cơ chạm vào vùng đỏ 

6. Giảm ga, nhả phanh tay để kết thúc. 

D. XE SỐ SÀN, CẦU SAU 

1. Cài số 1 và giữ chân côn (ngắt ly hợp)

2. Đạp chân ga đưa vòng quay động cơ lên khoảng 4.000 vòng/phút 

3. Chuyển nhanh chân côn sang chân phanh trong khi chân phải giữ đều ga 

4. Thêm ga, giảm phanh chân tới thời điểm bánh sau quay tít (thắng được lực phanh và lực ma sát mặt đường) nhưng vẫn giữ được trạng thái xe đứng yên 

5. Giảm ga để kết thúc. 

NHỮNG CẢNH BÁO KHI BURNOUT: 

- Với xe số tự động, không được tăng vòng tua động cơ cao rồi vào số đột ngột, bởi như vậy bạn có thể gây hư hại nặng tới hộp số.

- Bạn có thể làm gẫy trục xe khi Burnout - Bạn có thể phá hủy ly hợp nếu Burnout không đúng cách - Bạn có thể phá hủy động cơ nếu hoạt động liên tục ở vòng quay cực đại. 

- Trong mỗi cuộc đua xe chuyên nghiệp thường có một khu vực dành riêng cho các xe Burnout “Burnout box”, khu vực này cần được tưới nước giúp giảm ma sát giữa lốp và mặt đường giúp các xe dễ dàng Burnout trước mỗi trận so tài. 

#Donut trong kỹ thuật biểu diễn xe hơi là thao tác điều khiển xoay vòng tròn 360 độ. 

Kỹ thuật để Donut khá đơn giản: xoay vô lăng về 1 bên, hết lái hoặc gần hết lái 

1- Đối với xe số sàn thì cài số 1 cùng đạp hết côn và ga, sau đó thả chân ga ra là xe xoay  vòng tròn 360 độ. 

2- Đối với xe số tự động thì cùng đạp thắng và ga, sau đó thả chân thắng ra là xe sẽ xoay vòng tròn 360 độ. 

#Drift là do người lái cố tình để cho lốp sau mất độ bám đường nhưng vẫn kiểm soát được hướng đi của xe.

Một xe được xem là drift nếu xe chuyển động tịnh tiến theo một phương nhưng bánh lái lại có hướng ngược lại và người lái điều khiển hướng chuyển động của xe qua chân ga – lái chỉ có tác dụng thứ yếu. 

Có nhiều kiểu drift: dùng sức mạnh động cơ thắng độ bám mặt đường; phanh kết hợp dồn số, lên ga; giật phanh tay trước cua; khóa số, tăng tốc đột ngột; vẩy lái, hết ga; ôm cua búng côn trong khi giữ ga cao.

Drift thực chất là trượt xe do bánh xe không thể bám vào mặt đường vì vậy mới có khá nhiều kiểu drift khác nhau nhưng trên thực tế, chỉ có hai giải pháp drift và tùy thuộc vào từng loại xe cũng như kỹ thuật của tài xế.

Giật phanh tay là cách dễ nhất để drift. Chạy với tốc độ trên 60km/h (tùy điều kiện mặt đường) trước khi đến đỉnh cua giật nhẹ lái về hướng cua (khoảng 15 độ nếu mặt đường có độ bám kém) đồng thời đạp và giữ nguyên côn cùng lúc kéo phanh tay. Khi xe bắt đầu văng, nhả phanh tay, đánh ngược lái với hướng xe cua, kéo số về 2, nhả chân côn và lên ga để duy trì tình trạng trượt qua cua. Sẽ có một cú drift tròn trịa nếu người lái cảm nhận được quãng thời gian cần thiết để giữ phanh tay - kéo nhả nhanh xe sẽ quăng ngang ít, giữ lâu sẽ quay ngang nhiều. Kiểu drift dùng phanh tay thường dùng ở tốc độ thấp, cua hẹp và ở tốc độ cao để bắt đầu một cú drift dài.

Sử dụng phanh xe đúng mức sẽ giúp kiểm soát nhiều tình huống nguy hiểm trên đường đi. Tuy nhiên, để sở hữu kỹ thuật drift xe ô tô nhuần nhuyễn thì nguyên tắc quan trọng nhất không phải là phanh.

Chuyên nghiệp nhất là vẩy lái, về số và lên ga cao. Trước hết cần chạy đà từ 60 đến 90km/h - đa số các xe tốt nhất chạy đà lên số 3, tùy vào điều kiện mặt đường (đường nhựa, đường đất…vv, có độ bám khác nhau) và góc cua rộng hẹp; trước cua bám rộng ra ngoài cua và giật lái đột ngột vào cua. Lúc này đuôi xe quăng ngang nhưng bánh lái vẫn hướng theo góc cua, ngay lập tức đảo lái theo hướng ngược lại, dồn số về 2 và tăng ga để lốp sau mất độ bám. Chân ga lúc này cần đặc biệt nhạy cảm, ga lớn quá xe sẽ quay tròn tại chỗ; ga nhỏ quá lốp sẽ có độ bám và xe sẽ đi thẳng. Giải pháp tốt nhất là vẩy ga liên tục để tìm tốc độ quay hợp lý - ga lớn cho góc xe quay ngang rộng, ga nhỏ cho góc hẹp hơn.

Lưu ý: việc xe quăng ngang chỉ là bước đầu tiên của drift.

Một cú drift “tươm tất” thì người lái phải duy trì được tình trạng trượt ngang của xe qua cua.

Do vậy, kiểu trượt ngang dùng phanh tay trên các xe dẫn động cầu trước hay xe AWD thường không được xem là drift. 

Phân loại kỹ thuật Drift 

1- Kỹ thuật drift dựa vào côn

Clutch-kick drift – Khi gần đến khúc cua, người lái vẫn đạp côn, đạp ga để tăng số vòng động cơ và về số. Sau đó nhà côn, toàn bộ sức mạnh động cơ đột ngột dồn về cầu sau khiến đuôi xe bị trượt. Đây là kỹ thuật drift cơ bản

Shift-lock drift –  Khi gần đến khúc cua, người lái về số, nhả gà để giảm số vòng quay và giảm tốc độ động cơ. Sau đó nhả côn khiến bánh sau bị giảm tốc đột ngột và trượt đi.

2- Kỹ thuật drift dựa vào phanh

E-brake drift – Khi vào cua, kéo phanh khẩn cấp để khóa cứng bánh sau và đánh vô lăng đưa chiếc xe vào cua, phần thân sau xe sẽ trượt và xe bắt đầu drift. Đây là kỹ thuật drift cơ bản.

Braking drift – Khi vào cua, đạp phanh để trọng lượng xe dồn về phía trước khiến phần thân sau xe bị hẫng và trượt bánh. Tiếp tục kết hợp sử dụng phanh và cần số để drift mà không cần phanh chết bánh sau.

Long-slide drift – Khi xe cách khúc cua ở một đoạn khá xa và di chuyển ở tốc độ 160 km/h, kéo phanh khẩn cấp để xe bắt đầu drift một đoạn dài cho đến khúc cua.

3- Các kỹ thuật drift khác

Power-over drift – Tăng tốc xe khi vào cua nhằm tạo đà để xe trượt bánh khi ra khỏi cua. Kỹ thuật này đòi hỏi xe phải có động cơ thật mạnh mẽ.

Feint drift – Khi gần đến khúc cua, điều khiển xe ra làn ngoài nhằm dồn trọng lượng xe về hai bánh ngoài, sau đó nhanh chóng đánh tay lái đưa xe vào cua. Bất ngờ bị dồn trọng lượng sẽ khiến đuôi xe bị trượt và xe bắt đầu drift. 

Dynamic drift (Kansei drift) – Vào cua ở tốc độ cao và đột ngột nhả chân ga sẽ khiến trọng lượng xe dồn về phía trước, bánh sau bị trượt sẽ khiến xe drift.

Dirt-drop drift – Đánh tay lái cho đuôi xe trệch khỏi đường đua ra khu vực có cát. Kỹ thuật này giúp xe dễ dàng drift, duy trì tốc độ nhằm drift qua nhiều khúc cua.

Làm sao để làm chủ drift 

Khi xe ô tô của bạn bắt đầu trượt thì không nên nhấn bàn đạp phanh.

Khi xe ô tô sử dụng hệ thống dẫn động cầu sau, tài xế nên nhả ga và xoay bánh xe theo hướng trượt.

Khi xe ô tô sử dụng hệ thống dẫn động cầu trước, người lái nên kéo cần gạt lên. 

Thông thường, các mẫu xe dẫn động cầu trước thường cung cấp lực kéo tốt hơn so với các xe cầu sau, giúp xe bám đường tốt hơn trong các điều kiện mưa hay đường dễ trơn trượt.

Trong trường hợp xe đã bị trượt, bạn nên nhẹ nhàng thả ga, ngay lập tức xoay bánh xe về vị trí phía trước như ban đầu cho đến khi đầu xe di chuyển thẳng tắp hoặc để tiến hành một cú drift mới.

Các cuộc thi drift 

Giống như bất cứ cuộc đua thi nào, thi drift cũng đòi hỏi những yêu cầu an toàn nhất định. Điểm lưu ý là các xe tham gia drift phải được trang bị ghế ngồi kiểu xe đua với dây an toàn 5 điểm, đồng thời, lái xe nhất thiết phải đội mũ bảo hiểm. Đường chạy drift cũng được thiết kế chuyên dụng, thường ngắn hơn các loại đường đua khác. Chúng phải có ít nhất 5 tới 6 khúc cua và thông thường có hình chữ U. 

Trong thi drift, người ta không căn cứ vào thời gian hoàn thành để đánh giá bài thi. Có hai hình thức chạy, solo – thường thực hiện khi bắt đầu cuộc thi và thi 2 người 1 lần (người trước người sau) – diễn ra khi vòng đấu loại solo đã kết thúc và chỉ còn lượng nhỏ tay lái. 

Các tiêu chí để đánh giá bài thi drift bao gồm:

Driving line (đường chạy qua mỗi cua): Yêu cầu đặt ra là đường đi của xe drift phải khít. Muốn làm được điều này, mui xe phải tiến sát với phần trong của cua. Để đạt điểm cao, lái xe cần trình diễn khả năng giữ đuôi xe sát với phần ngoài cua.

Speed (tốc độ): Trong thi drift xe, qua một góc cua, chạy nhanh hơn cũng được đánh giá cao hơn. Giám khảo thường thích những pha drift ngay từ lúc bắt đầu vào cua, ở trong cua và ra khỏi cua một cách nhanh chóng.

Drift angle (góc drift): Góc drift  là góc của xe khi vào cua so với hướng của đường. Giám khảo cũng sẽ lưu tâm đến thời gian góc drift được duy trì. Nhất thiết những góc drift lý tưởng phải làm cho xe trở nên vuông góc với hướng của mặt đường.

Performance/execution (điểm trình diễn): Trong thi drift, giám khảo cho điểm trình diễn dựa trên những yếu tố như phong cách lái và lượng khói tạo ra từ bánh xe. Các lái xe có thể tranh thủ lấy điểm trình diễn bằng cách mở cửa hoặc thò tay hoặc đầu ra ngoài cửa sổ khi drift, nhưng thông thường, quy định của các cuộc thi là phải cho kính lên và đóng chặt cửa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét