26/10/2021

Drift Racing

 Xuất phát từ Nhật Bản vào những năm đầu thập niên 60, Drifting chỉ là một môn thể thao đường phố nguy hiểm và bất hợp pháp. Trải qua hàng thập kỷ với sự nỗ lực của rất nhiều tay đua, Drifting chính thức được công nhận, thậm chí nổi tiếng toàn cầu với hàng loạt giải đua danh giá.

Sức hấp dẫn của "Drifting"

Với Drifting, người lái dựa trên kỹ thuật để cố tình thả trôi bánh xe qua khúc cua, kéo chiếc xe vào đường trượt một cách ngoạn mục, có kiểm soát. Tuy khó nhằn, nhưng hiện nay, nhiều nước đã đưa bộ môn này thành giải thi đấu riêng. Cụ thể như: D1 Grand Prix, Japan Grand Touring Championship, Autoclub Speedway,...

Khói mù mịt, tiếng động cơ gào rú, mùi cao su cháy - đó chính xác là những trải nghiệm chân thực nhất tại giải đua Drift. Nhiều cổ động viên chia sẻ lại rằng mùi cao su làm họ bị nghẹn cổ họng, chảy nước mắt, song đổi lại là những phút giây phấn khích cực độ khi theo dõi các màn rê đuôi xe ‘điệu nghệ’ chưa từng có.

Tờ Japan Times đánh giá: Fans hâm mộ đua xe Công thức 1 cần phải tham gia giải đua Drift trực tiếp ít nhất một lần trong đời, bởi nó mang lại trải nghiệm khác biệt, hồi hộp gấp đôi so với các sự kiện thể thao khác.

Nơi "Drifting" khởi đầu

Không ai biết chính xác ngày khởi sinh của Drifting. Theo MotoIQ, nó bắt đầu từ Kunimitsu Takahashi - một tay đua Motorcycle Grand Prix và Công thức 1 vào những năm 1960, 1970.

Bắt đầu sự nghiệp năm 1965, sau 30 năm, anh giành chiến thắng hạng GT2 với chiếc Honda NSX. Ngoài tài năng, anh còn thu hút giới ‘tốc độ’ bởi phong cách đua xe khác biệt.

Tiếp cận góc cua với tốc độ cao nhất, Kunimitsu thể hiện màn rê đuôi xe độc nhất vô nhị. Anh sử dụng kỹ thuật tiết lưu (throttle techniques), giữ chiếc xe ở góc trượt này cho đến khi nó trở về quỹ đạo chuẩn và tiếp tục đường đua.

Tay đua tiếp theo có công ‘ươm mầm’ và phát triển Drifting là Keiichi Tsuchiya, còn được gọi là Dorikin hay “Drift King”. Không giống như nhiều tay đua tham gia vào Racing chuyên nghiệp tại Nhật Bản, Tsuchiya khởi đầu là một tay đua đường phố.

Tự nhận mình có ảnh hưởng lớn từ Takahashi, Tsuchiya sử dụng Drift để vượt qua những đường núi dốc cheo leo. Sự luyện tập đầy thử thách này nhanh chóng mang lại kỹ năng cũng như danh tiếng cho anh, giúp anh có những hợp đồng giá trị như tham gia vào loạt game 1977 Fuji Fuji Freshman.Tuy nhiên Drifting lúc ấy vẫn chỉ được coi là đua xe bất hợp pháp (gọi là Touge racing).

Năm 1987, video Drift đầu tiên được ghi lại với tên gọi “Pluspy”. Video vẫn có lượng tìm kiếm lớn trên Youtube cho đến giờ. Trong video là hình ảnh Tsuchiya lái chiếc AE86 Toyota Levin với kỹ thuật kiểm soát tự tin, chủ động.

Video này đã khiến Tsuchiya phải nhận án phạt 12 tháng, nhưng đổi lại đã tạo ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới giới đua xe chuyên nghiệp Nhật Bản, khuyến khích hạt giống “drift” phát triển với tương lai sáng lạn hơn.

Sự ra đời của giải đua Drift đầu tiên

Năm 1986, tạp chí Carboy tạo ra giải đua Drift đầu tiên dựa trên số lượng tay đua ngày càng tăng, kéo theo một lượng không nhỏ fans hâm mộ thể loại này.

Tiếp theo, năm 1988, cùng với Daijiro Inada - người sáng lập tạp chí Video Option đã phê chuẩn Giải đua xe Drift mở rộng lần hai, là nền móng hình thành D1 Grand Prix - Giải đua Drift hàng đầu của Nhật Bản.

Ikaten bắt đầu chế tạo các trình điều khiển xe tốt hơn, còn Inada quyết định rằng cần thay mới hoàn toàn để phục vụ cho giải đua. Năm 2000, Giải đua Drift Nhật Bản (All Japan Drifting Championship) được phê chuẩn. Tham gia có Keiichi Tsuchiya và Manabu Orio với tư cách là giám khảo.

Vòng đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2001 tại đường đua Ebisu, sau đó được xem là ‘thiên đường’ cho những fans hâm mô Drift khắp thế giới. Giải đua này được đổi tên thành D1 Grand Prix và giữ nguyên cho đến nay.

Luật thi đấu vô cùng đơn giản. Trong các vòng đầu, các tay đua sẽ được đánh giá cá nhân với tiêu chí chạy áp sát. Ở vòng 2, một thể thức mới được thêm vào gọi là Tsuisou Runs. Hai tay đua sẽ hoàn thành phần thi chỉ khi họ hoàn thành drifting và racing cùng một cách. Ban giám khảo xác định người thắng khi tay đua chính có thể tạo khoảng cách với đối thủ theo sau mình.

Nếu người theo sau thu hẹp khoảng cách đua, anh ta được đánh giá là người chiến thắng. Ở giải đua, các tay đua được phép thực hiện chạy nối đuôi nhau (Tandem runs) 10 lần. Năm 2002 giảm xuống còn 8 lần, và tăng lên 12 lần ở vòng hai. Sau đó, Round Four đưa con số 16 thành tiêu chuẩn và duy trì như vậy kể từ đó.

Từ xứ “mặt trời mọc” đến “khuấy đảo” hàng loạt trường đua F1

Drifting đã trải qua một quãng đường dài để phổ biến với người hâm mộ F1 toàn cầu. Tại Mỹ, có hẳn một bộ Công thức Formular Drift - là cơ sở cho các giải đua Drift. Kết hợp với Bộ quy tắc từ CLB xe thể thao của Mỹ (SCCA), Formula Drift đã tạo ra một loạt quy tắc nghiêm ngặt và chuyên nghiệp, độc nhất ở Mỹ. Thậm chí, Road Atlanta - đường đua F1 nổi tiếng với phức hợp những khúc cua móng ngựa gay cấn chỉ dành riêng cho Drifting.

Được biết, giải đấu đầu tiên tại Irwindale, C.A, Mỹ (2002) ghi nhận số người xem kỷ lục là 10.000 người, và tăng lên 15.000 vào năm tiếp theo. Năm 2005, Rhys Millen trở thành quán quân D1 đầu tiên không phải người Nhật Bản, cho thấy sức hấp dẫn của môn thể thao này lớn thế nào.

Đối với nhiều người, Drifting như một bộ môn vượt thời gian và dễ dàng phổ cập. Ông hoàng Drift Tsuchiya từng chia sẻ: “Mọi người không cần cảm thấy thích thú về xe để hiểu, Drifting có thể hiểu dễ dàng. Nó tạo ra những góc cua khét lửa, giống như trượt băng bằng ô tô vậy.”

Tựu chung lại, Drifting giống như một bộ môn nghệ thuật mạo hiểm đầy nghẹt thở, trong đó, những tay đua không khác gì một người chiến binh hoang dại. Với sức hút mạnh mẽ, lôi cuốn, Drifting sẽ còn tiến xa trong giới đua xe và được nhiều tay đua khao khát chinh phục.

Cách tính điểm đua Drift xe 

Giống như bất cứ cuộc đua thi nào, thi drift cũng đòi hỏi những yêu cầu an toàn nhất định. Điểm lưu ý là các xe tham gia drift phải được trang bị ghế ngồi kiểu xe đua với dây an toàn 5 điểm, đồng thời, lái xe nhất thiết phải đội mũ bảo hiểm. Đường chạy drift cũng được thiết kế chuyên dụng, thường ngắn hơn các loại đường đua khác. Chúng phải có ít nhất 5 tới 6 khúc cua và thông thường có hình chữ U.

Trong thi drift, người ta không căn cứ vào thời gian hoàn thành để đánh giá bài thi

Có hai hình thức chạy, solo - thường thực hiện khi bắt đầu cuộc thi và thi 2 người 1 lần (người trước người sau) - diễn ra khi vòng đấu loại solo đã kết thúc và chỉ còn lượng nhỏ tay lái. Các tiêu chí để đánh giá bài thi drift bao gồm:

Driving line (đường chạy qua mỗi cua): Yêu cầu đặt ra là đường đi của xe drift phải khít. Muốn làm được điều này, mui xe phải tiến sát với phần trong của cua. Để đạt điểm cao, lái xe cần trình diễn khả năng giữ đuôi xe sát với phần ngoài cua.

Speed (tốc độ): Trong thi drift xe, qua một góc cua, chạy nhanh hơn cũng được đánh giá cao hơn. Giám khảo thường thích những pha drift ngay từ lúc bắt đầu vào cua, ở trong cua và ra khỏi cua một cách nhanh chóng.

Drift angle (góc drift): Góc drift là góc của xe khi vào cua so với hướng của đường. Giám khảo cũng sẽ lưu tâm đến thời gian góc drift được duy trì. Nhất thiết những góc drift lý tưởng phải làm cho xe trở nên vuông góc với hướng của mặt đường.

Performance/execution (điểm trình diễn): Trong thi drift, giám khảo cho điểm trình diễn dựa trên những yếu tố như phong cách lái và lượng khói tạo ra từ bánh xe. Các lái xe có thể tranh thủ lấy điểm trình diễn bằng cách mở cửa hoặc thò tay hoặc đầu ra ngoài cửa sổ khi drift, nhưng thông thường, quy định của các cuộc thi là phải cho kính lên và đóng chặt cửa. Nhìn chung, drift vẫn còn nhiều điều để người hâm mộ có thể tìm hiểu.

Một giải drift thường có hai vòng: vòng kiểm tra và vòng loại trực tiếp.

Vòng kiểm tra được gọi là Tansou, trong đó tay đua phải cố gắng gây ấn tượng với ban giám khảo để được chọn vào vòng đấu loại trực tiếp.

Vòng này thường được tổ chức một ngày trước vòng đấu loại trực tiếp.

Vòng cuối được gọi là Tsuiso. Ở vòng này, các tay đua được xếp cặp với nhau và lần lượt thực hiện hai lượt chạy. Vị trí xuất phát của các tay đua se bị đảo ngược giữa hai lượt: ở lượt 1, một tay đua sẽ đứng trước tay đua còn lại ở vạch xuất phát trong khi ở lượt 2, anh ta sẽ đứng sau. Mỗi tay đua chiến thắng ở mỗi cặp sẽ lần lượt được chọn vào tứ kết, bán kết và chung kết.

Vòng này được quyết định dựa trên những yếu tố sau:

-Tay đua nào vượt qua được tay đua dẫn trước khi đang drift sẽ giành chiến thắng

-Tay đua nào vượt qua được tay đua dẫn trước trong điều kiện lái xe bình thường sẽ bị loại

-Xe bị quay tròn (drift hỏng) sẽ bị loại, trừ khi xe khác cũng bị quay

-Cố gắng giữ vị trí dẫn đầu và thu hẹp khoảng cách với xe trước trong khi drift sẽ giúp tay đua chiến thắng dễ dàng hơn

Điểm được tính cho mỗi lượt đua, và thường chỉ có một tay đua chiếm ưu thế.

Trong một số trường hợp, khi ban giám khảo không thể quyết định được người chiến thắng hoặc quyết định vấp phải sự phản đối của khán giả, hai tay đua sẽ phải đua thêm lượt nữa cho đến khi một trong hai người giành chiến thắng.

Đôi khi một số lỗi kỹ thuật sẽ quyết định đến kết quả. Nếu một xe không thể tham gia vào lượt đấu, xe còn lại sẽ chạy một mình sẽ được vào thẳng vòng trong.

Tùy từng giải drift khác nhau mà luật có thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Chẳng hạn như ở Australia, chiếc xe theo sau được tính điểm dựa trên độ giống của kỹ thuật và đường chạy so với chiếc xe phía trước thay vì dựa trên những kỹ thuật khác nhau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét