26/10/2021

Auto Gymkhana

 #AutoGymkhana hay #Gymkhana hay còn được gọi là #Motorkhana là đua tính giờ trên đường đua định sẵn trong không gian nhỏ, là môn thể thao lái xe biểu diễn tốc độ cao có tính giờ. 

Khác với những hình thức đua xe tốc độ khác, Gymkhana đòi hỏi người chơi ghi nhớ luật, các sa hình, đồng thời “phô diễn” hết các kỹ năng mới có thể về đích với thành tích tốt. Chiến thắng thuộc về người chơi đi đúng luật và vận dụng được nhiều kỹ năng phức tạp để điều khiển xe vượt chướng ngại vật trong thời gian ngắn như: tăng tốc, phanh, drift, cua chữ chi, quay 360 độ,...

Ít ai biết rằng cụm từ “Gymkhana” có nguồn gốc từ Ấn Độ, có nghĩa là “trò chơi trên lưng ngựa”.

Trước phiên bản “Gymkhana" đua xe, bộ môn này đã phát triển bằng việc sử dụng ngựa đua khi Ấn Độ là thuộc địa của Anh, các cuộc biểu diễn thường được binh sỹ Anh tổ chức vào cuối tuần với mục đích phát huy khả năng của người cưỡi ngựa, cũng như tốc độ và sự khéo léo của con ngựa.

Không ai biết chính xác thời gian nhưng môn thể thao này cũng ‘manh nha’ ở Mông Cổ, khi người thi đấu điều khiển ngựa để thu thập các lá cờ trên đường đua.

Tại Mỹ, các cao bồi miền Tây thường tổ chức đua trên vùng sa mạc cằn cỗi.

Đua ngựa còn phát triển ở một số vùng thuộc châu Âu, Tây Ban Nha, theo thời gian dần nổi tiếng và hình thành qua các sự kiện như: Barrel Racing, Pole Bending và The Keyhole Race,v.v

Điều khiến Gymkhana đặc biệt hấp dẫn hơn so với các hình thức đua xe khác chính là sự “thân thiện” của nó: bất kỳ chiếc xe nào cũng có thể tham gia, miễn là đáp ứng đủ các điều kiện kỹ thuật.

Một trong những yêu cầu cơ bản nhất của Gymkhana là người lái phải luồn lách qua các chướng ngại vật như cọc tiêu, dải, cột,... trong thời gian nhanh nhất.

Tay đua cần phải “trổ tài” các kỹ thuật điều khiển của mình như kiểm soát tốc độ, vượt, drift một cách điệu nghệ và khéo léo nhất có thể.

Với Gymkhana, người chơi không nhất thiết phải chi nhiều tiền để độ xe, nếu không muốn. “Chiến thắng chưa chắc dành cho những động cơ xe đắt đỏ nhất, mà dành cho những người có kỹ thuật tốt và am hiểu về chiếc xe mình điều khiển nhất” - Eric Jacobs, một tay đua của DG Trials cho biết.

Chính bởi diễn biến nhanh và phức tạp của Gymkhana nên các tay đua cần trải qua khóa huấn luyện về luật, thể thức đua và một số kỹ năng cần có trước khi thi đấu chính thức. Chẳng hạn, tay đua cần kiểm soát tốc độ ở mức cao trong giai đoạn nước rút giữa các phần slalom hoặc trước khi quay 360 độ để có thể tạo ra khúc cua đẹp.

Cụ thể, người chơi sẽ trải qua hai vòng đấu là: Đấu loại và Knock Out.

Các tay đua cạnh tranh trên một đường đua lắt léo với hàng loạt sa hình, cột, dải, cọc chắn,... Gymkhana khá phức tạp, chủ yếu là ở lộ trình sa hình. Lộ trình này được phát trước cuộc đua chỉ ít phút, nên việc ghi nhớ cũng là cả một vấn đề đối với hầu hết các tay đua.

Câu nói “sai một ly, đi một dặm” rất phù hợp với bộ môn này khi mà tay đua có động tác lái tốt nhưng nếu cua thiếu vòng thì cũng có khả năng bị loại khỏi cuộc chơi. Phần thắng sẽ thuộc về tay đua vừa điều khiển xe thuần thục, không va chạm chướng ngại vật mà vừa đi đúng hướng. Trong trường hợp tay đua không hoàn thành vòng đua, giám khảo có quyền loại hoặc phạt giờ (Time Penalty).

Để thi đấu tốt, tay đua không thể bỏ qua việc ghi nhớ các tín hiệu cờ (Flag Signal). Các tín hiệu cờ có thể bằng vải hoặc đèn led nhưng nhìn chung đều cùng chỉ một số lệnh cơ bản như: Màu xanh - Bắt đầu cuộc đua; Màu vàng - Yêu cầu tay đua giảm tốc độ hoặc chuyển hướng do có sự cố trên đường đua. Với cờ màu đen, tay đua phải quay lại vạch xuất phát ngay lập tức. Đây không có nghĩa là cờ loại nhưng nếu không để ý tín hiệu, tay đua cũng có thể bị đánh loại. Một loại cờ khác có cả 2 màu đen, trắng cho biết xe hoàn thành phiên luyện tập, kiểm tra kỹ thuật và sẵn sàng đua.

Khác với F1, Gymkhana không cho phép thay động cơ giữa chặng đua, trừ khi được cho phép bởi giám khảo. Người thi đấu có thể được thay đổi lốp, điều chỉnh áp suất lốp, điều chỉnh hệ thống treo, nhiên liệu,...

Họp đội trước giờ thi đấu (Briefings) cũng đặc biệt quan trọng. Trong cuộc họp này, các trọng tài sẽ cung cấp và phổ biến những thông tin quan trọng về giải đua, luật chơi, lộ trình sa hình. Vận động viên không tham gia cuộc họp có thể bị kỷ luật hoặc loại khỏi cuộc thi.

Bộ môn Gymkhana dành cho những tay đua không ngại thử thách và mong muốn thể hiện mình. Nổi tiếng có thể kể tới Ken Block - một tay đua đường phố chuyên nghiệp, nhà đồng sáng lập hãng giày DC Shoes. Những màn biểu diễn xe táo bạo của anh nổi tiếng trên show truyền hình BBC, Top Gear, hay Youtube với lượt viral kỷ lục. Trong video Ken thực hiện các sa hình nguy hiểm như vượt qua một tàu hỏa đang chạy, drifts quanh thùng kính, vực dốc,... đưa người xem từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét