27/10/2021

Bộ vi sai

Bộ vi sai là một thiết bị dùng để chia mô-men xoắn của động cơ thành hai đường, cho phép hai bên bánh xe quay với hai tốc độ khác nhau và là hệ thống đưa nguồn lực của động cơ xuống các bánh xe

Khóa vi sai là làm mất tác dụng của bộ vi sai, thường sử dụng khi đi vào các địa hình gồ ghề, trơn trượt.

Bộ vi sai thường được lắp đặt cùng với truyền lực cuối, hay còn gọi là cầu xe.

1- Lý do tồn tại bộ vi sai 

Các bánh xe chỉ cùng một tốc độ nếu xe vận hành trên một đường thẳng, còn khi vào cua các bánh xe có tốc độ khác nhau. 

Bánh xe phía ngoài góc cua sẽ có tốc độ lớn hơn bánh xe phía trong, do bánh xe phía ngoài phải di chuyển một đoạn đường dài hơn bánh xe phía trong trong cùng khoảng thời gian.

Nếu không có bộ vi sai, khi vào cua 2 bánh hai bên sẽ bị khoá với nhau, buộc phải quay cùng tốc độ như nhau. Điều này sẽ làm cho việc quay vòng của xe rất khó khăn, dễ xảy ra hiện tượng trượt quay. 

2- Nhiệm vụ chính của bộ vi sai 

Thay đổi tốc độ của các bánh xe (trái, phải) khi xe đi vào đường cong cua. 

Truyền mô-men xoắn của động cơ tới bánh xe. 

Đóng vai trò là cơ cấu giảm tốc độ cuối cùng trước khi mô-men xoắn truyền tới các bánh xe.

3- Loại xe sử dụng cơ cấu vi sai 

Xe dẫn động bánh trước thì bộ visai đặt trước.

Xe dẫn động bánh sau thì bộ vi sai đặt sau.

4- Phân loại cơ cấu Vi sai 

* Phân loại theo kết cấu

Vi sai bánh răng nón

Vi sai bánh răng trụ

Vi sai trục vít 

* Phân loại theo loại Vi sai

Loại không có cơ cấu khóa vi sai

Loại có cơ cấu khóa vi sai 

Giả sử khi xe rơi vào vũng lầy, một bánh bị mắc vào vũng lầy, bánh còn lại tuy vẫn nằm trên bề mặt cứng và có độ bám, nhưng xe vẫn không thể có đủ lực đẩy trên bánh này để đưa xe thoát ra vũng lầy. Các kỹ sư nghĩ ra các cách khóa vi sai như sau: 

Một là khoá cứng bánh trái và phải lại với nhau để chúng quay cùng tốc độ; 

Hai là tăng ma sát của mỗi bán trục với vỏ vi sai - gọi chung là vi sai chống trượt (LSD - Limited Slip Differential).

Ngoài ra, các kỹ sư còn thiết kế thêm khóa vi sai trung tâm nhằm khóa cầu trước - cầu sau theo tỷ lệ 50/50 cố định giúp lực truyền động ra 2 cầu như nhau. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét